Lịch sử Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam

Thành lập

Huy hiệu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam gắn trên mũ của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam

Dự định thành lập Mặt trận được công khai nói đến lần đầu tiên trong Đại hội toàn quốc lần thứ ba của Đảng Lao động Việt Nam. Tại đại hội, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã nói rằng Mặt trận sẽ được dựa trên các khái niệm của Lenin về liên minh 4 giai cấp, nhưng để phù hợp với sự phức tạp của xã hội miền Nam, Mặt trận cần bao gồm cả các nhóm tôn giáo và dân tộc khác nhau; mục tiêu đấu tranh của Mặt trận phải rộng để kêu gọi được đông đảo quần chúng; Mặt trận cần nhấn mạnh các chủ trương dân tộc và cải cách, đặt ra mục tiêu cuối cùng là sự xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ và phồn vinh. Cũng như tiền thân Việt Minh của nó, Mặt trận mới này sẽ cần được tổ chức thành nhiều cấp, từ ủy ban trung ương đến các tổ chức ở cấp làng; chủ nghĩa cộng sản sẽ không được nói đến [9].

Theo Nghị quyết Đại hội III của Đảng Lao động Việt Nam, được đăng tải trên báo Nhân dân khi đó "nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là: đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm tay sai của đế quốc Mỹ, thành lập một chính quyền liên hợp dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc, các quyền tự do dân chủ, cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, tích cực góp phần bảo vệ hòa bình ở Đông - Nam Á và thế giới... Để bảo đảm cho cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam giành được toàn thắng, đồng bào ta ở miền Nam cần ra sức xây dựng khối công nông binh liên hợp và thực hiện một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi chống Mỹ - Diệm lấy liên minh công nông làm cơ sở. Mặt trận này phải đoàn kết các giai cấp và các tầng lớp yêu nước, dân tộc đa số, các dân tộc thiểu số, các đảng phái yêu nước và các tôn giáo, và tất cả những người có khuynh hướng chống Mỹ - Diệm. Mục tiêu phấn đấu của mặt trận này là hòa bình, độc lập dân tộc, tự do dân chủ, cải thiện dân sinh, hòa bình thống nhất Tổ quốc. Công tác mặt trận phải nhằm đoàn kết tất cả những lực lượng có thể đoàn kết, tranh thủ bất cứ lực lượng nào có thể tranh thủ, trung lập những thế lực cần phải trung lập, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân vào phong trào đấu tranh chung chống Mỹ - Diệm nhằm giải phóng miền Nam, hòa bình thống nhất Tổ quốc[10]. Nghị quyết của Đảng cũng nêu rõ: "Mục đích của Đảng là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam" (nghĩa là không xuất khẩu cách mạng sang các nước khác, và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là cách mạng dân tộc dân chủ, chứ chưa quyết định về đường lối xây dựng Chủ nghĩa xã hội).

Về mặt pháp lý Mặt trận hoàn toàn độc lập với các tổ chức chính trị ở miền Bắc tuy nhiên cả Mặt trận và chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau này có thêm Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đều không phủ nhận sự tương đồng về chính trị cũng như mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.[11] Bên cạnh đó, những người Cộng sản ở miền Nam cũng thành lập Đảng Nhân dân cách mạng Việt Nam để hoạt động công khai và ngăn cản sự đàn áp của chính quyền Sài Gòn.[12] Đảng này cũng là thành viên của Mặt trận. Trung ương Cục Miền Nam với tiền thân là Xứ ủy Nam Kỳ trở thành tổ chức đại diện Đảng Lao động trong Nam (do Hiệp định Genève không bắt buộc tập kết chính trị nên lực lượng chính trị này vẫn được ở lại miền Nam). Do sự đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm, Trung ương Cục hoạt động công khai nhưng phải chịu sự đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt đại diện tại căn cứ địa của Mặt trận (và Chính phủ cách mạng lâm thời sau này), và Mặt trận (Chính phủ cách mạng lâm thời) đặt đại diện tại Hà Nội.

Trong tháng 11 và 12 năm 1960, Bộ Chính trị và Ban Bí thư gửi nhiều công điện cho Xứ ủy Nam Bộ và Liên khu ủy khu V bàn về đấu tranh cách mạng ở miền Nam, bao gồm thành lập mặt trận và chính quyền cách mạng (điện của Bộ Chính trị Số 17-NB ngày 11-11-1960, điện của Bộ Chính trị Số 20-NB ngày 12-11-1960, điện của Ban Bí thư Số 34/NB ngày 16-11-1960, điện của Ban Bí thư Số 35/NB ngày 20-11-1960, điện của Ban Bí thư Số 40/NB ngày 24-11-1960, điện của Ban Bí thư số 49/NB ngày 3-12-1960 v.v.). Trong điện của Ban Bí thư ngày 24-11-1960, có đề ra chủ trương rút lại chủ trương trước đó của Bộ Chính trị về thành lập Chính phủ liên hiệp, sau khi cuộc đảo chính ở Sài Gòn không thành, "Trung ương đồng ý với Xứ ủy Nam Bộ là ở những nơi không còn đồn bốt và tề, ta sẽ lấy danh nghĩa Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam để bảo vệ quyền lợi nhân dân và giữ gìn an ninh trật tự. Ở những nơi chưa hoàn toàn giải phóng, ta vẫn dùng lối chính quyền hai mặt. Như thế nhân dân sẽ không bị hạn chế trong cuộc đấu tranh chính trị rộng rãi như hiện nay."[13]

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được chính thức thành lập vào ngày 20 tháng 12 năm 1960 tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là Tân Biên) trong vùng căn cứ của mình ở tỉnh Tây Ninh, với thành phần chủ chốt là lực lượng Việt Minh hoạt động bí mật ở miền Nam. Lãnh đạo ban đầu là Võ Chí Công, Phùng Văn Cung, Huỳnh Tấn Phát. Huỳnh Tấn Phát giữ chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương. Các phương tiện truyền thông miền Bắc ban đầu không nhắc đến vai trò của Đảng Lao động và chính quyền Việt Nam Dân chủ cộng hòa trong thành lập Mặt trận, chỉ hoan nghênh Mặt trận được thành lập, trong khi Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai "Đẩy mạnh đấu tranh chống Mỹ -Diệm, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh của đồng bào miền Nam" (Lúc này, Việt Nam Dân chủ cộng hòa vẫn gửi điện cho Ủy ban quốc tế tố cáo chính quyền miền Nam Việt Nam vi phạm điều 14(c) Hiệp nghị Giơnevơ).

Đồng thời, Mặt trận đưa ra Chương trình 10 điểm[14]:

  1. Đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mỹ và chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, thành lập chính quyền liên minh dân tộc, dân chủ.
  2. Thực hiện chế độ dân chủ rộng rãi và tiến bộ.
  3. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thực hiện cải thiện dân sinh.
  4. Thực hiện giảm tô, tiến tới giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân, giúp người cày có ruộng.
  5. Xây dựng nền văn hóa giáo dục dân tộc, dân chủ.
  6. Xây dựng một quân đội bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân.
  7. Thực hiện dân tộc bình đẳng, nam nữ bình quyền, bảo hộ quyền lợi chính đáng của ngoại kiều và kiều bào.
  8. Thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình, trung lập.
  9. Lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc.
  10. Chống chiến tranh xâm lược, tích cực bảo vệ hòa bình thế giới.

Từ khi ra đời, Mặt trận được tổ chức để thu hút tất cả các nhà hoạt động chống Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, bao gồm cả những người theo và không theo chủ nghĩa cộng sản, với mục tiêu kết nối tất cả những người đối nghịch với "Mỹ Diệm". Về mặt pháp lý, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là một phong trào giải phóng, liên minh của các đảng phái, tổ chức chính trị - xã hội tại miền Nam và có lập trường, chủ quyền kiểm soát riêng. Phía Mặt trận và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam bác bỏ sự hợp pháp của chính quyền Sài Gòn.

Theo ước tính của Mỹ, trong vòng vài tháng thành lập, số thành viên của Mặt trận tăng gấp đôi, gấp đôi một lần nữa vào mùa thu năm 1961, và sau đó tăng gấp đôi vào đầu năm 1962, ước tính khoảng 300.000 người.

Ngày 15-12-1961 (mồng một Tết Tân Sửu), tại vùng giải phóng Tây Ninh, mặt trận đã làm lễ kết nạp Lực lượng võ trang giải phóng là thành viên chính thức. Tại cuộc mít-tinh này, Ban tổ chức đã giới thiệu đoàn chủ tịch (cũng là bộ phận lâm thời công khai của mặt trận) gồm các vị: Bác sĩ Phùng Văn Cung thay mặt giới trí thức Sài Gòn; Ông Nguyễn Văn Linh thay mặt Đảng nhân dân cách mạng Việt Nam; Ông Ung Ngọc Ky thay mặt Đảng dân chủ Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Hiếu thay mặt Đảng xã hội cấp tiến Việt Nam; Ông Lê Thanh thay mặt Lực lượng quân giải phóng. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận là Nguyễn Hữu Thọ (1961).

Đại hội lần I

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ

Đại hội lần thứ nhất khai mạc ngày 16 tháng 2 năm 1962 tại Tân Biên (Tây Ninh) chính thức bầu Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch, Phó Chủ tịch: Phùng Văn Cung, Võ Chí Công, Huỳnh Tấn Phát, Ybih Aleo, Đại đức Sơn Vọng, Trần Nam Trung, và Nguyễn Văn Hiếu là Tổng thư ký Mặt trận. Ủy viên Đoàn Chủ tịch gồm có: Trần Bạch Đằng, Phan Văn Đáng, Nguyễn Hữu Thế, Trần Bửu Kiếm, bà Nguyễn Thị Định, Hòa thượng Thích Thượng Hào, Ngọc đầu sư Nguyễn Văn Ngợi, Lê Quang Thành, ông Đặng Trần Thi.

Mặt trận đã ra "Tuyên ngôn" và "Chương trình hành động 10 điểm" với mục tiêu đại diện cho quyền lợi của nhân dân miền Nam Việt Nam đấu tranh nhằm đánh Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, tiến tới sự thống nhất của Việt Nam. Mặt trận cũng quyết định lấy lá cờ nửa đỏ, nửa xanh có ngôi sao vàng năm cánh và bài "Giải phóng miền Nam" làm cờ và bài hát chính thức của Mặt trận...

Chương trình của Mặt trận: "Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, dân tộc Việt Nam ta đã chiến đấu không ngừng cho độc lập và tự do của Tổ quốc. Năm 1945, đồng bào cả nước đã đứng lên đánh đổ Nhật - Pháp giành chính quyền và đã anh dũng kháng chiến 9 năm, đánh bại xâm lược Pháp và can thiệp Mỹ, đưa cuộc kháng chiến oanh liệt của dân tộc ta đến thắng lợi vẻ vang.Tại hội nghị Giơ ne vơ tháng 7-1954, đế quốc Pháp buộc phải cam kết rút quân khỏi Việt Nam và các nước tham dự hội nghị đều trịnh trọng tuyên bố công nhận chủ quyền, độc lập thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam... Vì quyền lợi tối cao của Tổ quốc, quyết phấn đấu đến cùng cho những nguyện vọng chính đáng của nhân dân, thuận theo trào lưu tiến bộ của thế giới, Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam ra đời.Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam chủ trương đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc, các đảng phái, các đoàn thể, các tôn giáo, các nhân sĩ yêu nước ở miền Nam Việt Nam không phân biệt xu hướng chính trị để đấu tranh đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tập đoàn tay sai của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, thực hiện độc lập, dân chủ, cải thiện dân sinh, hòa bình trung lập ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất tổ quốc...Vì hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc, vì vận mạng của dân tộc, vì đời sống của chúng ta, vì tương lai của ta và con cháu ta. Tất cả hãy đứng lên !Tất cả hãy đoàn kết lại! Hãy xiết chặt hàng ngũ, tiến lên chiến đấu dưới ngọn cờ của Mặt Trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam để đánh đổ ách thống trị tàn ác của đế quốc Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm để cứu nước, cứu nhà.
Chúng ta nhất định thắng, vì lực lượng đoàn kết của nhân dân ta là lực lượng vô địch, vì chính nghĩa thuộc về chúng ta, vì chủ nghĩa thực dân đã lỗi thời ngày nay đang tan rã và đi tới diệt vong. Trên thế giới, phong trào hoà bình dân chủ, độc lập dân tộc đang phát triển rộng rãi, mạnh mẽ và ngày càng thu được nhiều thắng lợi mới. Tình hình đó hết sức thuận lợi cho sự nghiệp cứu nước cứu nhà của chúng ta. Đế quốc Mỹ và tay sai của Mỹ nhất định sẽ thất bại! Sự nghiệp giải phóng dân tộc ở miền Nam Việt Nam nhất định sẽ thành công! Hãy đoàn kết, tin tưởng và phấn đấu anh dũng ! Tiến lên giành lấy thắng lợi huy hoàng cho dân tộc ta, cho Tổ quốc ta."[15]

Đại hội lần II

Ngày 1-11-1964, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã họp Đại hội lần thứ 2. Có 150 đại biểu tham dự. Đoàn Chủ tịch Mặt trận được bầu gồm có: Chủ tịch: Nguyễn Hữu Thọ - đại diện liên minh các đảng yêu nước, Phó chủ tịch: Abil Aleo - đại diện những người Tin Lành yêu nước, người dân tộc Êđê, chủ tịch Phong trào tự trị các dân tộc Tây Nguyên, Phùng Văn Cung - đại diện liên minh các đảng yêu nước, Võ Chí Công - chủ tịch Đảng Nhân dân cách mạng VN, Huỳnh Tấn Phát - Tổng thư ký Đảng Dân chủ, Thích Thơm Mê Thế Nhêm - đại diện người Khmer yêu nước (mất 1966), Trần Nam Trung - đại diện Quân giải phóng Miền Nam. Các ủy viên: Nguyễn Thị Định, Trần Bạch Đằng, Thích Thiện Hào, Trần Bửu Kiếm, Nguyễn Văn Ngợi, Phan Xuân Thái (Phan Văn Đáng), Nguyễn Hữu Thế, Đặng Trần Thi. Ban Thư ký: Huỳnh Tấn Phát (TTK), Lê Văn Huân, Hồ Thu, Ung Ngọc Kỳ, Hồ Xuân Sơn (phó TTK) [16]. Sau ông Nguyễn Văn Hiếu lại tham gia Đoàn chủ tịch.

Ngày 8-1-1967, Mặt trận họp Đại hội bất thường, công bố Cương lĩnh mới, kế tục và phát triển chương trình hành động 10 điểm. Đại hội đã thông qua một chương trình mới phác thảo cách nhằm thu hút lực lượng người Việt Nam tham gia để đánh đuổi đế quốc Mỹ, lật đổ chính quyền Việt Nam Cộng hòa, và tạo ra một nền độc lập, hòa bình, dân chủ, trung lập, và thịnh vượng Nam Việt Nam, tiến tới hiệp thương thống nhất đất nước. Cương lĩnh cũng đưa ra các cải cách dân chủ và sự phát triển của nền kinh tế và văn hóa dân tộc.

Thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam

Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát

Từ ngày 6 đến 8 tháng 6 năm 1969, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam là nòng cốt, cùng với Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam do Trịnh Đình Thảo làm chủ tịch, đã lập ra Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để đối chọi với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Chính phủ cách mạng lâm thời do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm chủ tịch, và Hội đồng cố vấn Chính phủ do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch. Hội đồng làm việc với Chính phủ theo cơ chế hiệp thương, song thực ra có quyền hơn. Chính phủ thực hiện các chức năng hành chính nhà nước bao gồm đại diện và quản lý hành chính lãnh thổ. Ngay sau khi thành lập, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và các nước Xã hội chủ nghĩa cùng nhiều nước thuộc Thế giới thứ Ba đã công nhận Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là người đại diện hợp pháp của nhân dân miền Nam. Ngay trong tháng 6 năm 1969 đã có 23 nước công nhận Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, trong đó có 21 nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Tới cuối năm 1975, đã có hơn 50 nước trên thế giới (trong đó có nhiều nước tư bản chủ nghĩa) công nhận và lập quan hệ ngoại giao[17]. Người Mỹ và chính quyền Sài Gòn không phân biệt được quyền lực của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam với quyền lực của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa[18]. Bộ trưởng Quốc phòng Trần Nam Trung, Trưởng ban Quân sự của Mặt trận cũng công khai là ủy viên Trung ương Đảng Lao động, thành viên Trung ương Cục, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Đồng Văn Cống công khai là thành viên Trung ương Cục Miền Nam của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, trong khi Nguyễn Văn Cúc (Tổng bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng, tham gia thành lập chính phủ) tuy không công khai là ủy viên Trung ương của Đảng Lao động, nhưng công khai là đại diện Đảng Nhân dân Cách mạng trong Trung ương Cục Miền Nam của Đảng Lao động (theo báo cáo tháng 12 năm 1969 về "Ủy ban quân sự Miền Nam", một số thành viên của Bộ tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam cũng công khai là thành viên Trung ương Cục).[19]Ngày từ khi Hội nghị Paris bắt đầu với sự tham gia của 4 bên, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã phải chấp nhận sự tồn tại của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam. Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết. Hiệp định công nhận tại miền Nam của nước Việt Nam độc lập, thống nhất có tồn tại hai chính phủ, hai vùng kiểm soát, hai quân đội và sẽ tổng tuyển cử để thành lập chính phủ liên hiệp ba thành phần trước khi tổng tuyển cử cả nước để thống nhất về mặt nhà nước với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.[20] Tuy nhiên, do chính quyền Sài Gòn có các hành động quân sự để phá hoại Hiệp định nên Chính phủ cách mạng lâm thời buộc phải tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh vũ trang, lật đổ chính quyền Việt Nam Cộng hòa và đã giành được quyền kiểm soát miền Nam vào năm 1975.

Hợp nhất với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Dưới sự chỉ đạo của Đảng Lao động Việt Nam, từ ngày 15 đến 21 tháng 11 năm 1975, hội nghị hiệp thương chính trị được tổ chức để tiến tới thống nhất về mặt nhà nước. Đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Trường Chinh đứng đầu, đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do ông Phạm Hùng đứng đầu. Hội nghị đã tán thành tổ chức bầu cử Quốc hội thống nhất.

Ngày 25 tháng 4 năm 1976 tổng tuyển cử trong cả nước được tổ chức, bầu ra 492 đại biểu của Quốc hội Việt Nam thống nhất. Từ ngày 24 tháng 6 đến ngày 2 tháng 7 năm 1976, Quốc hội họp phiên đầu tiên, đặt tên nước là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thông qua quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, xác định Thủ đô, bầu chính phủ, đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đây, chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam chính thức hợp nhất với chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để ra đời chính quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam của một quốc gia Việt Nam thống nhất.

Sau khi hợp nhất về mặt nhà nước, các đơn vị đoàn thể khác cũng tiếp tục hợp nhất. Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất bắt đầu ngày 31 tháng 1 năm 1977 đã tuyên bố hợp nhất Mặt trận với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hoà bình Miền Nam Việt Nam thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.[21]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam http://119.15.167.94/qdndsite/vi-VN/61/43/tap-chi-... http://www.rfa.org/vietnamese/SpecialTopic/TetOffe... http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/who-r-3rd-p... http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu... http://baoninhthuan.com.vn/news/34610p1c24/bao-tay... http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/14969902-.... http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/22445702-g... http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/c-mac-anggh... http://www.dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/tu-lieu... http://www.daihocluathn.edu.vn/images/stories/Hoc%...